Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi I - Chương 3): Các loại Đồ thị phổ biến và thang đo phù hợp (Bài 3)

Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi I - Chương 3): Các loại Đồ thị phổ biến và thang đo phù hợp (Bài 3)

Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi I - Chương 3): Các loại Đồ thị phổ biến và thang đo phù hợp (Bài 3)

Mạc An

Junior Mod
Thành viên BQT
Trial mod
17,857
84,385
HỌC PHÂN TÍCH KỸ THUẬT CHUẨN CMT là 1 series của TraderViet, được đăng vào lúc 20:00 các tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần mới mục đích giúp anh em cùng ôn tập CMT. Series này sẽ được TraderViet biên tập lại dựa trên giáo trình thi CMT.

CÁC DẠNG ĐỒ THỊ PHỔ BIẾN


  • Trong những buổi đầu sơ khai, thị trường chứng khoán và hàng hóa chỉ công bố giá giao dịch 1-2 lần trong 1 ngày, do đó cấu tạo của Đồ thị cũng khá đơn giản. Nó chỉ là 1 tập hợp của những điểm chấm, thỉnh thoảng được kết nối bằng 1 đường kẻ trực tiếp, thỉnh thoảng được kết nối bởi những đường kẻ đứng. Ở Nhật Bản, dạng đồ thị này được gọi là “tome”, từ gốc là “tomene”, có nghĩa là “đóng cửa”. Ở phương Tây, dạng đồ thị này được gọi là đồ thị Đường kẻ (Line chart)
  • Khi công việc giao dịch trở nên phổ biến hơn, Đồ thị được chia thành 2 dạng chính. Đầu tiên là dạng phổ biến nhất, và vẫn được sử dụng đến ngày nay, đó là đồ thị thanh đứng, thể hiện giá cao/thấp/đóng/mở nằm trên 1 hệ trục OXY. Khá thú vị, ở Nhật Bản - vốn là cái nôi của nhiều loại đồ thị - cũng sản sinh ra 1 dạng đồ thị có cấu trúc tương tự như đồ thị Thanh đứng, được gọi là đồ thị Nến. Dạng đồ thị thứ 2 là dạng “Trục chuyển động”, khi giá chuyển động thế nào thì ghi nhận như thế đó, và chỉ có 1 trục giá. Dạng đồ thị này chính là dạng sơ khai của đồ thị Điểm và Số (Point & Figure) ngày nay.
  • Ngày nay, có 3 dạng đồ thị phổ biến nhất được sử dụng dùng để ghi nhận chuyển động giá trên các khung thời gian khác nhau (H1, H4, Khung Ngày, Khung Tuần, Khung Tháng) đó là Đồ thị Đường kẻ (Line chart), Đồ thị Thanh đứng (Bar chart) và Đồ thị Nến (Candlestick)

Đồ thị Đường kẻ (Line chart):


  • Hình phía bên dưới là ví dụ minh họa cho Đồ thị Đường kẻ (Line chart). Đồ thị dạng này có 2 biến chính: Giá và Thời gian. Trong hình, trục Giá (Trục đứng, Trục Y) thể hiện giá đóng cửa của cổ phiếu AAPL (Apple); trục Thời gian (Trục ngang, Trục X) thể hiện thời điểm mà giá đóng cửa xuất hiện (Giờ, Ngày, Tuần, Tháng,...)
upload_2022-6-28_18-25-23.png
  • Một Đồ thị Đường kẻ đơn giản sẽ cực kỳ hữu dụng trong việc xác định xu hướng dài hạn của thị trường. Bên cạnh đó, đồ thị Đường kẻ thường được sử dụng trong thống kê mô tả, nên nó cũng được dùng để so sánh nhiều tài sản trên cùng 1 đồ thị. Ví dụ, trong hình minh họa phía bên dưới, 3 đồ thị Đường kẻ được thể hiện trên cùng 1 hệ trục, so sánh giá đóng cửa của chỉ số Dow Jones, SP500 và Nasdaq trong vòng 2 năm.
upload_2022-6-28_18-16-12.png
  • Đồ thị Đường kẻ cũng có thể được sử dụng để biểu diễn dữ liệu trên nhiều khoảng thời gian khác nhau. Dữ liệu được ghi nhận càng dày, thì chúng ta sẽ nhận được càng nhiều chi tiết, nhưng cũng sẽ nhiều chuyển động nhiễu hơn và đồ thị trông có thể rối rắm hơn. Đặc biệt, những chuyển động chi tiết này đôi lúc sẽ cản trở chúng ta trong việc xem xét xu hướng dài hạn. Trong hình bên dưới, cả 3 đồ thị đều thể hiện giá đóng cửa của AAPL trong vòng 22 tháng kể từ 7/2013 đến 5/2015, Đồ thị đầu tiên là khung Ngày, kế đến là khung Tuần và đồ thị thứ 3 là khung Tháng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, xu hướng chính sẽ dễ được quan sát và nhận ra hơn trong đồ thị thứ 3, khi các dữ liệu ít được thể hiện trên đồ thị hơn.
upload_2022-6-28_18-19-59.png


Đồ thị Thanh đứng (Bar chart):


  • Đồ thị Đường kẻ chỉ thể hiện 1 loại thông tin duy nhất trên đồ thị (giá đóng cửa); trong khi đó, Đồ thị Thanh đứng cung cấp cho chúng ta ít nhất 3 thông tin - Giá Cao nhất, Giá Thấp nhất và Giá Đóng cửa. Nhiều dạng đồ thị Thanh Đứng còn có thêm giá Mở cửa. Mỗi 1 khung thời gian, sẽ được đại diện bằng 1 thanh đứng (1 thanh = 1 Ngày, 1 Tuần hoặc 1 Tháng)
  • Biểu đồ phía dưới là biểu đồ Thanh đứng khung thời gian Ngày. Mỗi 1 thanh đại diện cho biến động giá trong 1 ngày. Cũng giống như trên đồ thị Đường kẻ, dữ liệu giá được biểu diễn trên trục đứng, còn dữ liệu thời gian được biểu diễn trên trục ngang. Đỉnh của thanh đứng là mức giá cao nhất mà tài sản đạt được trong ngày hôm đó. Đáy của thanh đứng là mức giá thấp nhất mà tài sản đạt được trong ngày hôm đó. Gạch ngang nằm bên phải thanh giá chính là giá đóng cửa của ngày hôm đó. Thanh giá dài hơn có nghĩa là trong ngày hôm đó, giá biến động mạnh hơn. Ngược lại, thanh giá ngắn hơn có nghĩa là hôm đó, giá không biến động nhiều. Nếu đồ thị có thêm giá mở cửa, nó sẽ được thể hiện bằng 1 gạch ngang nằm bên trái của thanh.
upload_2022-6-28_18-20-56.png

  • Trong đồ thị phía trên, chúng ta sẽ đọc được những thông tin sau: Vào ngày 02/01/2015 (ngày thứ 2 kể từ khi đồ thị được khởi tạo), AAPL được giao dịch ở giá thấp nhất là 107.35$, mức giá cao nhất là 111.44$. Mức chênh lệch giữa giá cao nhất là giá thấp nhất là 4.09$ - đây được gọi là Biên độ trong ngày (range). Giá mở cửa của ngày giao dịch là 111,39$, được thể hiện bởi gạch ngang bên trái; Giá đóng cửa là 109.33$, được thể hiện bằng gạch ngang bên phải.
  • Chúng ta có thể đọc được rất nhiều thông tin chỉ bằng 1 cái nhìn thoáng qua khi sử dụng đồ thị Thanh đứng: Thanh giá vào ngày 02/01 (thanh giá thứ 2 trên đồ thị) có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, và giá mở cửa của ngày này thấp hơn giá đóng cửa của ngày liền trước. Những thông tin này cho thấy giá đang trong 1 xu hướng giảm ngắn hạn. Tiếp theo, thanh giá ngày thứ 5 có giá cao nhất thấp hơn giá thấp nhất của ngày thứ 6. Chúng ta gọi đây là Khoảng trống giá (Gap), cho thấy có khả năng đã có một sự đảo chiều trong xu hướng ngắn hạn. Có thể thấy, với đồ thị, chúng ta sẽ dễ dàng thu thập được thông tin hơn so với Bảng trong bài viết trước.
  • Cũng giống như đồ thị Đường kẻ, đồ thị Thanh đứng cũng có thể được thể hiện trên nhiều khung thời gian khác nhau. Đồ thị bên dưới là đồ thị Tuần của AAPL cùng trong khoảng thời gian như đồ thị phía trên. Có thể thấy rằng, khi chúng ta sử dụng khung thời gian lớn hơn, chúng ta sẽ bỏ qua một vài chi tiết, nhưng đồ thị cũng sẽ thoáng đãng hơn, và ít nhiễu hơn, từ đó giúp chúng ta quan sát được xu hướng dài hạn tốt hơn.
upload_2022-6-28_18-22-29.png

Đồ thị Nến (Candlestick chart):


  • Đồ thị Nến được sinh ra tại Nhật Bản, và đã được sử dụng từ những năm giữa thập niên 1600 (1600-1610), nhưng cho tới hiện nay, nó vẫn đang được xem là một trong những loại đồ thị phổ biến nhất ở Nhật.
  • Dạng đồ thị này cũng đã được sử dụng ở các nước Phương Tây trước đây, nhưng chỉ đến khi cuốn sách Japanese Candlestick Charting Techniques của Steve Nison được xuất bản, nó mới trở nên phổ biến. Ngày nay, hầu như phần mềm đồ thị nào cũng có cung cấp đồ thị Nến, và bạn thậm chí còn có thể tự vẽ 1 đồ thị Nến với phần mềm Excel.
  • Về cấu trúc, đồ thị Nến khá tương đồng với đồ thị Thanh đứng, nhưng đồ thị Nến bắt buộc phải có giá Mở cửa trong khi đồ thị Thanh đứng có thể có, có thể không. Cấu tạo của đồ thị Nến bao gồm 1 thanh đứng mỏng dùng để thể hiện giá Cao nhất và Thấp nhất, trong khi đó, 1 chiếc hộp sẽ được thể hiện giá Đóng cửa và Mở cửa. Phần hộp này sẽ được gọi là “Thân Nến” (real body). Nếu giá đóng cửa nằm phía trên giá mở cửa, cây nến sẽ có màu trắng (Bạn có thể tùy chỉnh tại các phần mềm hiện nay), đây còn được gọi là một cây Nến tăng. Ngược lại, nếu giá đóng cửa nằm dưới giá mở cửa, cây nến sẽ có màu đen, đây được gọi là 1 cây Nến giảm.
  • Đồ thị bên dưới thể hiện hành động giá của cổ phiếu AAPL bằng đồ thị Nến, từ ngày 01/01 đến ngày 29/05/2015. Đồ thị này có màu sắc nên nó khiến cho các nhà giao dịch dễ dàng hơn trong việc xác định ngày nào mà cổ phiếu AAPL đóng cửa cao hơn mở cửa và ngược lại. Ví dụ, trong ngày 02/01, cây nến có màu đen, điều này đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu đã đóng cửa thấp hơn so với thời điểm mở cửa. Những ngày tiếp theo cũng vậy, 1 chuỗi các cây nến có màu đen xuất hiện, cho thấy xu hướng giá đang là giảm trong ngắn hạn. Xu hướng này tiếp diễn cho đến ngày thứ tư, một cây nến trắng xuất hiện, tức là giá đóng cửa đã nằm cao hơn mức giá mở cửa.
upload_2022-6-28_18-23-43.png
  • Đồ thị Nến cũng cung cấp cho chúng ta những cái nhìn tốt hơn dựa trên hình dạng. Nếu thân nến là cao, giá đóng cửa đang nằm cách xa với giá mở cửa, tức là đà tăng hoặc giảm đang mạnh. Nếu thân nến là thấp, giá đóng cửa đang nằm sát với giá mở cửa, có nghĩa là đà tăng/giảm đang chững lại. Thi thoảng, giá đóng cửa nằm trùng với giá mở cửa, tạo nên các cây nến không có thân, nó đại diện cho sự lưỡng lự của thị trường.
  • Thanh đứng mỏng đại diện cho các mức giá Thấp nhất và Cao Nhất được gọi là “Bóng nến” (Shadow). Bóng nến nằm trên thân nến gọi là “Bóng trên” (Upper Shadow). Bóng nến nằm dưới thân nến gọi là “Bóng dưới” (Lower Shadow). Đây là lý do vì sao đồ thị này được gọi là đồ thị Nến, bởi Thân nến trông giống như 1 cây nến ngoài đời thực, trong khi Bóng nến trông giống như bấc của chúng vậy.
  • 1 cây nến đơn lẻ cũng có thể cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin dựa vào: Hình dạng, Kích cỡ, Bóng nến, Thân nến, Màu nến, …. Ví dụ, cây nến đầu tiên trong ví dụ phía trên cho chúng ta thấy nó là 1 cây nến không có Bóng trên và có Thân màu đen; nó cung cấp cho chúng ta thông tin rằng AAPL đã mở cửa ở gần mức giá cao nhất trong ngày, nhưng đã giảm khá mạnh trong ngày hôm đó. Cây nến thứ 3 là cây nến có thân nhỏ, màu đen, cho thấy giá đóng cửa trong ngày là thấp hơn giá mở cửa, nhưng 2 mức giá này cũng nằm rất sát nhau; khoảng cách từ 2 điểm đầu và cuối của Bóng nến cho thấy giá biến động mạnh trong ngày chỉ để rồi trở về điểm xuất phát. Trong khi đó, cây nến thứ 10 không có bóng nến, cho thấy giá đã đóng cửa và mở cửa ở các mức giá cao nhất và thấp nhất trong ngày.
  • Bởi vì đồ thị Thanh đứng và đồ thị Nến là tương đồng, nên các chiến lược sử dụng cho đồ thị Thanh đứng cũng có thể sử dụng cho đồ thị Nến và ngược lại, trừ những chiến lược lấy “màu nến” làm căn cứ ra quyết định.

CHÚNG TA NÊN SỬ DỤNG THANG ĐO NÀO?


Bởi vì Giá được thể hiện trên trục đứng của hệ OXY, nên chúng ta cần phải quyết định xem sẽ sử dụng thang đo nào cho đồ thị, có nghĩa là khoảng cách giữa các mức giá sẽ được hiển thị như thế nào. Có 2 dạng thang đo phổ biến đó là Thang đo Số học (Arithmetic Scale) và Thang đo Bán Logarit (Semi-Logarithmic Scale)

Thang đo Số học (Arithmetic Scale)


  • Trong những ví dụ đã được xem xét trước đây, chúng ta đều đã sử dụng Thang đo Số học (Arithmetic Scale) hay còn gọi là Thang đo Tuyến tính (Linear Scale). Trên đồ thị Số học, sự thay đổi của 1 đơn vị giá sẽ có khoảng cách giống nhau tại mọi mức giá. Ví dụ, sự thay đổi giá từ 1$ lên 2$ sẽ có khoảng cách giống với sự thay đổi giá từ 10$ lên 11$, cũng giống như sự thay đổi giá từ 100$ lên 101$ (Mặc dù đây là 1 điều hiển nhiên, nhưng nếu tính theo %, sự thay đổi giá từ 1$ lên 2$ là 100%, trong khi từ 10$ lên 11$ chỉ là 10%, vì thế nên chúng ta mới cần thang đo Bán Logarit).

Thang đo Bán Logarit (Semi-Logarithmic Scale)


  • Mặc dù thang đo Số học là phổ biến, nhưng đôi khi cần có những sự điều chỉnh, đặc biệt là khi phân tích xu hướng dài hạn. Chúng ta hãy quan sát 2 ví dụ bên dưới:

upload_2022-6-28_18-32-37.png

  • Cả 2 đồ thị phía trên đều thể hiện chuyển động giá của Dầu thô từ ngày 01/07/2014 đến ngày 29/05/2015. Vào 07/2014, giá Dầu thô được giao dịch quanh ngưỡng 100$/thùng; tại thời điểm này, 1 đợt tăng giá 10$ sẽ tương đương với sự tăng giá 10%. Nhưng vào tháng 01/2015, lúc giá Dầu thô đã giảm về 50$/thùng, một đợt tăng giá 10$ sẽ là 1 sự thay đổi 20%. Trên đồ thị Số học, 1 sự tăng giá 10$ lúc giá dầu 100$ sẽ giống như 1 sự tăng giá 10$ lúc giá dầu 50$, nhưng thực tế, 1 nhà giao dịch có lãi 10$ lúc giá dầu 50$ lại lãi 20%, trong khi 1 nhà giao dịch cũng có lãi 10$ lúc giá dầu 100$ lại chỉ lãi 10%. Điều này khiến cho đồ thị Số học sẽ trở nên có vấn đề, và đồ thị Bán Logarit sẽ giải quyết vấn đề đó.
  • Trên thang đo Bán Logarit, các khoảng cách giá thay đổi sẽ được tính theo %. Giống như hình minh họa bên dưới, khoảng cách giữa vùng 50$ và 60$ sẽ lớn hơn khoảng cách giữa vùng 100$ và 110$, bởi khoảng cách giữa vùng 50$ và 60$ sẽ đại diện cho 1 sự tăng giá 20%, trong khi khoảng cách giữa vùng 100$ và 110$ sẽ chỉ đạo diện cho 1 sự tăng giá 10%.
  • Vậy thì câu hỏi đặt ra là khi nào thì sử dụng Thang đo Số học (Arithmetic Scale), khi nào thì sử dụng Thang đo Bán Logarit (Semi-Logarithmic Scale)? Câu trả lời ở đây là tùy, chúng ta sẽ sử dụng thang đo Số học ở những tài sản có mức độ biến thiên giá thấp, còn với những tài sản có mức độ biến thiên giá lớn, chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng thang đo Bán Logarit. Bên cạnh đó, các đồ thị phân tích dài hạn (vài năm), bắt buộc phải sử dụng thang đo bán Logarit.
  • Có 1 lưu ý nữa mà chúng ta cần phải chú ý, đó là các đường Xu hướng (Trendline) sẽ khác nhau trên 2 loại đồ thị này, vì thế nên nó sẽ ảnh hưởng đến phân tích của chúng ta. Trong trường hợp 2 ví dụ phía trên thì đường Xu hướng (Trendline) của đồ thị Bán Logarit cung cấp tín hiệu chuẩn hơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đây là 1 điểm yếu của Phân tích kỹ thuật, nhưng theo thời gian, chúng ta sẽ có cách khắc phục, đó chính là QUẢN LÝ VỐN!
Bài học hôm nay là bài học kết thúc của HỒI I, anh em đón chờ tiếp những bài học ở HỒI II nhé!



Phía trên là toàn bộ chương I được biên tập lại bởi TraderViet (rút gọn bớt, và tóm vào những ý chính quan trọng). Anh em đọc và tham khảo, nếu có gì phản biện hoặc yêu cầu anh em có thể để lại comment để chúng mình biết nhé. Anh em nào muốn ôn luyện thì để lại comment để được tag vào các bài sau nhé!

Chúc anh em ôn tập tốt!

Nguồn: Giáo trình CMT
 

Giới thiệu sách Trading hay
Các Phương Pháp Price Action Kinh Điển

Bộ sách tổng hợp các phương pháp Price Action truyền thống và hiện đại, với các hướng dẫn cụ thể và dễ áp dụng cho nhà giao dịch

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 198 Xem / 26 Trả lời
  • Bianas trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 49 Xem / 2 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 293 Xem / 6 Trả lời
  • ngoi_sao_co_doc trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 24,370 Xem / 85 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 259 Xem / 13 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 1,135 Xem / 41 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên