[Câu chuyện đầu tư] Giáo chủ và tông đồ: Khi tỉ phú 'lái coin'

[Câu chuyện đầu tư] Giáo chủ và tông đồ: Khi tỉ phú 'lái coin'

[Câu chuyện đầu tư] Giáo chủ và tông đồ: Khi tỉ phú 'lái coin'

TraderViet News

Editor
Trial mod
6,447
34,773
Tờ Financial Times ngày 14-5 trích một nhận định của giới theo dõi thị trường tiền số: “Không nghi ngờ gì nữa, Elon Musk đã trở thành nhân tố quan trọng số 1 trên thị trường tiền mã hóa”. Quan điểm này có thể gây tranh cãi, nhưng chắc chắn sẽ nhận được sự đồng ý của nhiều người đang đầu tư tiền mã hóa, bao gồm cả người viết bài này.

Những dòng tweet thay đổi thị trường


Một cách vô thức, thói quen của tôi khi đọc tin tức tài chính đã thay đổi. Thay vì kiểm tra các tin tức từ Bloomberg, CNBC và Financial Times trước tiên, tôi bắt đầu kiểm tra... Twitter của Elon Musk. Mặc dù tiền mã hóa chỉ chiếm một phần nhỏ chừng 5% trong danh mục đầu tư của tôi, sự thú vị của nó nằm ở sự biến động lớn, và quan trọng hơn hết, mức thay đổi 14-20% trong vài phút có khi chỉ vì một dòng tweet - đôi khi chỉ có một hoặc hai chữ của Elon Musk.

Danh hiệu Người đàn ông dẫn dắt thị trường (The man who moves markets) trong nửa đầu năm nay nên thuộc về Elon Musk. Tháng 2 năm nay, giá bitcoin đã tăng ngay lập tức 14% khi có tin công ty Tesla của ông Musk đã đầu tư khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ vào đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường này. Sau đó, nhà đầu tư vào bitcoin càng phấn khởi khi ông Musk cho biết Tesla sẽ chấp nhận đồng bitcoin trong thanh toán mua xe Tesla trong thời gian gần sắp tới.

Điều đó có thể tạo ra rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế nếu những ý tưởng của họ quá mạo hiểm, thậm chí điên rồ và lệch lạc.

Screen Shot 2021-05-22 at 13.58.02.png

Elon Musk đang chi phối quá mạnh thị trường tiền ảo
Khi tỉ phú này ủng hộ thì giá bitcoin tăng, nhưng khi ông đổi ý, ông ta có thể làm giá đồng tiền này giảm mạnh cũng chỉ bằng cách... tweet. Trong tuần này, bitcoin đã giảm mạnh từ mức trên 55.000 đô la Mỹ xuống dưới 48.000 đô la Mỹ ngay trong một ngày chỉ vì đoạn tweet của Elon Musk cho biết Tesla sẽ không chấp nhận sử dụng bitcoin trong thanh toán vì lo ngại ngày càng tốn các nhiên liệu hóa thạch cho việc khai thác và thực hiện các giao dịch bằng bitcoin.

Điều đáng ngạc nhiên là đây không phải thông tin gì mới. Hồi tháng 3-2021, tuyên bố của Tesla về việc hãng sẽ chấp nhận đồng tiền mã hóa này như một hình thức thanh toán cho việc mua xe Tesla đã bị các nhà hoạt động vì môi trường và một số nhà đầu tư tổ chức tỏ ra quan ngại.

Không thể nói ông Musk đã không biết về điều này khi mà lo ngại về tác động môi trường của bitcoin đã gây tranh cãi một thời gian dài trước đó. Đơn giản là vì ông ta đổi ý với vấn đề này thôi. Vì sao ông ta đổi ý thì không ai biết, nhưng người đầu tư cổ phiếu Tesla thì đã quá quen với những pha “quay xe” 180 độ của Elon Musk. Tweet đi rồi tweet lại với Musk là chuyện thường, cũng như cách ông ta hứng lên rồi bảo cổ phiếu Tesla “quá cao” trong ngày đầu tháng 5-2020, làm giá cổ phiếu này giảm đến hơn 12% chỉ không lâu sau khi ông ta bảo Tesla đang mạnh mẽ tiến về phía trước trong một tweet khác.

Để kết thúc một tuần làm chao đảo thị trường tiền mã hóa, vào ngày Chủ nhật 16-5, chỉ vỏn vẹn với dòng tweet một chữ “đúng vậy” (“indeed”), Elon Musk lại làm thị trường tiền mã hóa nhuốm toàn màu đỏ. Ông ta đã dùng từ này để đáp lại một dòng tweet cho rằng Tesla sẽ hoặc đã bán lượng bitcoin còn lại, khiến thị trường xem đây là tín hiệu Tesla đang bán dần số bitcoin họ đã đầu tư. Thế là giá bitcoin lại rơi tiếp, lần đầu tiên giảm xuống dưới 45.000 đô la Mỹ trong vòng ba tháng trở lại đây.

Một chữ đáng giá ngàn vàng có lẽ là vậy chăng?

Khi giáo chủ dắt mũi các môn đồ


Đây không phải lần đầu tiên Elon Musk làm dậy sóng thị trường với những dòng tweet thiếu thận trọng, lên xuống theo cảm xúc của mình.

Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) từng phạt Elon Musk, thậm chí buộc phải từ chức chủ tịch Tesla vì đã đưa thông tin không chính xác về việc biến Tesla từ một công ty đại chúng thành công ty tư nhân trong khi thỏa thuận với những người cung cấp vốn chưa được thông qua (và cuối cùng thất bại). SEC cũng đã phạt Tesla vì không có các biện pháp kiểm soát việc cung cấp thông tin vô tội vạ trên Twitter của Elon Musk. Tổng cộng Musk và Tesla phải nộp 20 triệu đô la Mỹ tiền phạt trong vụ này và Musk phải rời ghế chủ tịch Tesla.

Tưởng vậy thì những người “cuồng Elon Musk” sẽ bớt thần thánh hóa ông ta. Nhưng không, Musk càng ngày càng có nhiều người hâm mộ (như nhà phân tích thị trường kỳ cựu Jim Cramer có lần gọi là fan cuồng Tesla), và khi ông ta bắt đầu tweet về tiền mã hóa, số môn đồ càng tăng lên. Ngay cả sau khi Elon Musk làm chao đảo thị trường qua việc đổi ý với bitcoin, thì thị trường vẫn rất tin tưởng ông ta và đẩy giá đồng dogecoin lên sau khi ông ta cho biết đang làm việc với các nhà phát triển dogecoin (tất nhiên là vẫn qua Twitter).

Giới phân tích gọi việc đầu tư vào những sản phẩm tài chính có độ rủi ro cao và không rõ ràng về tương lai, chỉ dựa vào việc một vài người nổi tiếng thừa nhận hay thích thú với sản phẩm đó, với cái tên đầu tư kiểu giáo phái (cult). Vào tháng 3-2021, Mark Gongloff đã đặt câu hỏi này với giới đầu tư bitcoin: “Các bạn đang đầu tư bitcoin hay gia nhập vào một giáo phái?”.

Đã là giáo phái thì phải có giáo chủ dẫn đầu trào lưu và môn đồ. Với những dòng tweet về Tesla, GameStop và tiền mã hóa, Elon Musk đang trở thành một loại giáo chủ trào lưu và kéo theo rất nhiều môn đồ về phía mình, sùng bái những gì ông ta làm và tin tưởng vào ông ta, ngay cả khi ông ta thường xuyên đổi ý khiến nhiều người bị mất tiền. Mất tiền rồi mà rất nhiều người vẫn tin và tiếp tục lấy tiền đầu tư vào cái khác mà ông ta chỉ, giống những môn đồ sùng đạo chạy theo giáo chủ.

Tờ Economist vào tháng 2-2021 cũng đã gọi những người tôn sùng Elon Musk và Jack Ma là những môn đồ đang chạy theo sùng bái các CEO có thành công vượt trội, đôi khi là nhờ may mắn, mặt khác nhờ chính cách tạo ra một lượng lớn môn đồ của mình.

1-traderviet.jpeg


Tờ báo này chỉ ra rằng, Elon Musk và Jack Ma không phải là những người đầu tiên tạo ra hiện tượng này. Họ chỉ là đang đi trên con đường được khởi tạo bởi một huyền thoại kinh doanh Ấn Độ: Dhirubhai Ambani, người đã sáng lập Reliance Industries, một tập đoàn đa ngành từ hóa dầu đến viễn thông từ hai bàn tay trắng. Ông này đã làm nhiều người trở nên giàu có: nhiều nhà đầu tư đầu tiên đã tăng vài ngàn lần kể từ khi Reliance Industries lên sàn vào năm 1977.

Trong một cuộc họp đại hội đồng cổ đông của công ty này, có đến 30.000 người từ khắp nơi đến dự để cố gắng thể hiện lòng biết ơn với thần tượng Ambani của họ. Nó quả thật rất giống các môn đồ hành hương để được tỏ lòng sùng kính với giáo chủ của mình.

Đầu tư kiểu chạy theo giáo chủ trào lưu: coi chừng mất hết tiền qua đêm


Các loại đầu tư chạy theo các giáo chủ trào lưu này có nhiều nguy hiểm. Thứ nhất, như trường hợp của Elon Musk cho thấy, ông ta có thể đổi ý chỉ sau vài ngày. Hôm nay ông ta khen bitcoin, ngày mai ông ta lại đổi ý, “dìm” bitcoin và tuyên bố hợp tác với chuyên gia để phát triển dogecoin như một thứ để thách thức bitcoin.

Khi các môn đồ đang tìm cách cắt lỗ bitcoin để chạy sang dogecoin thì ông ta có lẽ đang có một ý tưởng gì mới với một đồng tiền mã hóa khác. Cứ chạy vòng vòng theo giáo chủ thì có khi quay lại nhìn thấy tiền vốn của mình mỗi lúc một vơi đi. Có thể trong lúc bạn ngủ, một dòng tweet của giáo chủ đã làm tài sản đầu tư của bạn mất đi 30-50%.

Khi các giáo chủ trào lưu này ngày càng có nhiều môn đồ và quyền lực, những phát ngôn của họ trở nên có sức ảnh hưởng lớn với xã hội, và có thể ảnh hưởng lên các chính sách, cách thị trường phân bổ vốn (họ thích gì thì nhiều nhà đầu tư lại ùn ùn chạy theo, kéo theo các định chế tài chính). Điều đó có thể tạo ra rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế nếu những ý tưởng của họ quá mạo hiểm, thậm chí điên rồ và lệch lạc.

Một ví dụ đơn giản về việc này: những người hâm mộ tranh nhau mua cổ phiếu GameStop sau những dòng tweet ủng hộ của Elon Musk vào cuối tháng 1. Mức giá khi đó là khoảng trên 350 đô la Mỹ/cổ phiếu. Chỉ vài ngày sau đó, giá cổ phiếu này chỉ còn 50 đô la Mỹ/cổ phiếu. Mặc dù đã có sự hồi phục trong thời gian gần đây, giá của GameStop vẫn đang ở dưới 170 đô la Mỹ/cổ phiếu, chưa tới một nửa của mức giá khi Elon Musk “hiệu triệu” người hâm mộ vào cuộc chơi GameStop. Các nhà đầu tư ấy đã “mua đỉnh” nhờ vào nghe theo thần tượng của mình như vậy đó.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên ĐH Bristol, Anh
Nguồn: Vietstock
 

Giới thiệu sách Trading hay
Phương Pháp VPA - Kỹ Thuật Nhận Diện Dòng Tiền Thông Minh bằng Hành Động Giá kết hợp Khối Lượng Giao Dịch

Phương pháp VPA - Volume Price Analysis - là phương pháp Price Action hướng dẫn ĐỌC GIÁ / NẾN kết hợp với KHỐI LƯỢNG GIAO DỊCH để tìm ra hướng đi của DÒNG TIỀN THÔNG MINH

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • captainfx trong Chuyện bên lề 584 Xem / 1 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 131 Xem / 6 Trả lời
  • TraderLC trong Hội Trader giao dịch Quỹ 2,221 Xem / 32 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 246 Xem / 12 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 488 Xem / 38 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên