Hoạt động giao dịch forex trong các ngân hàng diễn ra như thế nào?

Hoạt động giao dịch forex trong các ngân hàng diễn ra như thế nào?

Hoạt động giao dịch forex trong các ngân hàng diễn ra như thế nào?

TraderViet News

Editor
Trial mod
6,525
34,842
Việc giao dịch ngoại hối đối với các trader nhỏ lẻ như chúng ta vốn dĩ rất đơn giản, chỉ cần có chút vốn và thông qua một vài platform giao dịch phổ biến như MT4, CTrader, hay MT5...nhưng anh em có tự hỏi nghiệp vụ giao dịch FX của các banker diễn ra như thế nào? Nếu câu trả lời là có thì hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Cách thức các giao dịch ngoại hối hoạt động


Thực chất để mô tả chính xác được toàn bộ quá trình settlement này cần bạn hiểu về nghiệp vụ thanh toán quốc tế và các vấn đề liên quan. Nó không đơn giản như kiểu đặt lệnh long hay short EURUSD trên MT4 là lệnh chạy lon ton tiền đến tiền đi liền đâu. Phần này mình viết sơ lược chứ không đi sâu vào chi tiết hơn sẽ cồng kềnh và phức tạp cho bài viết.

Đầu tiên là mỗi ngân hàng sẽ kết nối với nhau thông qua hệ thống SWIFT và các message sẽ được chuyển qua lại theo queue để gửi hoặc nhận tiền từ mỗi bên của FX desk. CLS netting mình sẽ không đề cập ở đây.

Giả sử một ví dụ đơn giản nhất của giao dịch giao ngay (spot transaction) giữa 2 ngân hàng khi thực hiện qua Reuters, Bloomberg, EBS hoặc các platform khác. Lệnh giao dịch đó sẽ chuyển về Back Office (BO). Mỗi ngân hàng sẽ có 1 danh sách các standard settlement instruments (không biết dịch) cho tất cả các đồng tiền tương ứng. Ví dụ bạn muốn gửi EUR từ VN sang Pháp (đến ngân hàng BNP Paribas Paris) – họ sẽ có những hướng dẫn cụ thể, mã SWIFT code và account/clearing number tương ứng.

Hệ thống ở BO sẽ kết nối các standard settlement instructions này vào cái lệnh giao dịch, và tùy theo các quy trình được thiết lập ra sao mà lệnh gửi tiền đó sẽ được gửi qua hệ thống SWIFT trong ngày được ấn định (hoặc trước đó 1 ngày). Thường thì một FX Flow sẽ tương tự như vầy, các bạn có thể tham khảo thêm cho biết.

Screen Shot 2021-10-21 at 20.50.03.png

FX Process Flow​

Rồi giờ nó sẽ là ví dụ như vầy, giả sử Goldman Sachs NY muốn short EURUSD (bán EUR và mua USD) theo tỷ giá 1.18 với ngân hàng HSBC London – tức nghiệp vụ sẽ là chuyển EUR từ NY qua London và chuyển USD từ London sang NY. Họ sẽ có 4 cách làm như sau
  1. Goldman Sachs NY FX Desk có thể mua USD và bán EUR trực tiếp với HSBC London.
  2. Goldman Sachs NY có thể thông qua 1 ngân hàng NY nào đó khác (vdu như Citi) để mua bán với HSBC London.
  3. Goldman Sachs NY có thể làm việc với 1 ngân hàng tại London (vdu như JP Morgan London) – hay còn gọi là correspondent bank để thực hiện nghiệp vụ.
  4. Thông qua FX Dealer khác.
Thường thì FX dealer có thể chọn phương án nào cũng được, mình sẽ chọn phương án 3 để làm ví dụ minh họa dưới đây

Screen Shot 2021-10-21 at 20.50.20.png


Vòng chuyển EUR: Goldman Sachs NY sẽ yêu cầu JP.Morgan London gửi cho HSBC London 1 lượng EUR theo yêu cầu (ví dụ 5Mil EUR). JP.Morgan London sẽ ghi nợ (debiting) 5Mil EUR vào tài khoản EUR của HSBC London.

Vòng chuyển USD: Tương tự, HSBC London sẽ gửi yêu cầu đến JP.Morgan NY thanh toán cho Goldman Sachs 5,898Mil USD tương ứng với 5Mil đã nhận được như trên. JP Morgan NY sẽ ghi nợ (debiting) 5,898 USD vào tài khoản USD của Goldman Sachs NY (hoặc ghi có vào tài khoản HSBC London).

JP.Morgan ở 2 trụ sở London vs New York có nhiệm vụ chuyển đổi các lệnh thanh toán đó đến cái local currency clearing system (không biết tiếng việt ra sao) tương ứng và ghi có (crediting) theo hệ thống kế toán cho phù hợp. Clearing system ở Châu Âu là TARGET2 và CHIPS ở Mỹ/NY.

Đó là 1 ví dụ về cách “trade” FX giữa 2 ngân hàng với nhau. Giờ đoạn tiếp dưới này là chia sẻ về hoạt động ngoại hối tại các ngân hàng Việt Nam từ bạn Hoàng Soros.

Hoạt động FX Trading trong bank như thế nào? Có thật sự lung linh như dân tình đồn thổi không?


Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, với một ngân hàng thương mại ở Việt Nam thì hoạt động kinh doanh là vô cùng quan trọng bởi ngân hàng là một thực thể hoạt động vì lợi nhuận, do đó vai trò của các phòng ban kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng đã vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường của nhiều người là nơi cho vay hoặc gửi tiền và kiếm lợi nhuận từ các khoản dịch vụ này, nó còn có nhiều hoạt động khác để gia tăng lợi nhuận. Nếu như trước đây, nguồn thu chủ yếu của các Ngân hàng thương mại là từ hoạt động tín dụng, thì ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế, các nguồn thu từ những dịch vụ hiện đại đã trở thành những nguồn thu quan trọng đối với mỗi ngân hàng, trong đó có hoạt động Kinh doanh ngoại hối.

Về bài viết này tôi sẽ đi sâu vào việc mô tả hoạt động kinh doanh ngoại hối tại một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam vận hành ra làm sao. Trước tiên chúng ta sẽ đi qua về cơ cấu tổ chức của một ngân hàng thương mại.

Về cơ bản, cơ cấu của một ngân hàng thương mại tại Việt Nam sẽ chia thành các Khối như sau:

Các Khối kinh doanh (Front Office) bao gồm: Khối ngân hàng bán buôn, Khối bán lẻ và mạng lưới, Khối nguồn vốn và kinh doanh vốn. Các khối kinh doanh hoạt động trên nguyên tắc cơ bản là giao dịch, thương lượng với Khách hàng nhưng không thể nhập dữ liệu vào tài khoản. Họ chỉ có thể lấy thông tin về các tài khoản đó.

Các Khối Hỗ trợ (Back Office) bao gồm: Khối quản lý rủi ro, Khối tác nghiệp, Khối tài chính. Các khối Hỗ trợ hoạt động trên nguyên tắc cơ bản là không liên hệ với Khách hàng và có nhiệm vụ nhập dữ liệu vào tài khoản (trả tiền, nhận tiền và chuyển tiền), hỗ trợ về rủi ro, tác nghiệp và tài chính.

Việc phân tách nhiệm vụ là cần thiết bất kể Ngân hàng thuộc loại nào hay hoạt động trong môi trường như thế nào. Front Office, Back Office, các chức năng rủi ro và tài chính cần được phân tách một cách nghiêm ngặt.

Với sự phân chia chức năng của các khối như trên, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong ngân hàng sẽ nằm ở khối Nguồn vốn và kinh doanh vốn (thường gọi là Treasury). Tùy theo định hướng kinh doanh của Khối này mà chúng ta có thể gọi là Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ hoặc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính.

Screen Shot 2021-09-27 at 11.07.59.png


1. Khối Nguồn vốn hấp dẫn như thế nào?


Tôi vốn không phải dân học Tài chính Ngân hàng ra và vào ngân hàng cũng không phải được làm Khối nguồn vốn ngay từ đầu. Nhưng khi tôi hỏi bạn tôi làm một thời gian dài trong Ngân hàng về vị trí nào hấp dẫn nhất trong ngân hàng và đã nhận được câu trả lời: Khối Nguồn vốn (Treasury).

Khối Nguồn vốn thật sự là điểm đến mơ ước với rất nhiều bạn trẻ mới ra trường và cả những người hoạt động trong thị trường tài chính lâu năm. Cùng với bộ phận Tự doanh và Nguồn vốn của các công ty chứng khoán, Khối Nguồn vốn trong ngân hàng thật sự có một sức hấp dẫn không thể chối từ. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của Khối Nguồn vốn đến như vậy? Đó là:
  • Bạn sẽ nghiên cứu, bàn luận về các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam mà không phải là nói suông kiểu chém gió trà đá hay cơm bụi vỉa hè, bạn sẽ phải làm việc liên quan đến nó. Như Fed công bố lãi suất mới, tapering hay không tapering, như Mỹ có chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì ảnh hưởng đến giá vàng thế nào, giá các cặp ngoại tệ hay hàng hóa cơ bản (dầu mỏ, vàng…) ra làm sao, tất cả sẽ phải phân tích để tìm kiếm cơ hội kinh doanh sinh lời từ đó. Ở đây chúng tôi chỉ bàn luận về thế giới, về Fed của bác Jerome Powell, về ECB của cô Christine Lagarde hay BOJ của bác cả Haruhiko Kuroda, hoặc bầu cử tổng thống Mỹ hay hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ. Thế nên nếu đi qua một bank mà thấy mấy thanh niên đang bàn về giá vàng hay giá Euro, USD, có khả năng thanh niên đó làm ở Khối Nguồn vốn.
  • Bạn sẽ được giao dịch với các khoản tiền lên tới cả triệu đô với một không gian làm việc sang chảnh, cùng với các thiết bị do Reuters, EBS hay Bloomberg cung cấp, hơn hẳn mấy đứa bạn hàng ngày phải ngồi ở quầy giao dịch hoặc chi nhánh, không phải tươi cười với khách hàng cả ngày đến sái cả quai hàm. Bạn có thể nhìn về nơi xa xăm và tự hỏi: Tối hôm nay Bác Powell sẽ hawkish hay dovish nhỉ?
  • Ở mức nào đó, bạn sẽ không phải chạy chỉ tiêu thẻ, bảo hiểm hay khoản vay như các bạn đồng nghiệp ở chi nhánh hay phòng giao dịch. Chỉ tiêu của bạn tất nhiên là tiền, là lợi nhuận, nhưng theo kiểu: tháng này mình sẽ đem về mấy tỷ? hay lỗ mấy tỷ đây nhỉ?
  • Và cuối cùng, thu nhập và cơ hội thăng tiến sẽ tốt hơn các vị trí khác cùng bậc trong ngân hàng, ít nhất ở mức tôi thấy là Chuyên viên. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ tạo mối quan hệ rất tốt với những đồng nghiệp cũng Khối Nguồn vốn ở các ngân hàng khác, điều mà các khối khác trong ngân hàng hiếm khi làm được.

2. Khối Nguồn vốn vận hành thế nào? Và hoạt động kinh doanh ngoại hối trong một ngân hàng sẽ được thực hiện ra sao?


Khối nguồn vốn bao gồm (hoặc có thể không) các bộ phận như sau:

Bộ phận MM (Money Market): Chỉ hội sở mới được kinh doanh trên liên ngân hàng (các chi nhánh/PGD không được thực hiện), Khối Nguồn vốn được nhận tiền gửi TCKT như bình thường, bộ phận MM làm các công việc sau:
  • Nghiệp vụ MM (kinh doanh tiền tệ – gồm nghiệp vụ nhận tiền gửi/đi vay; gửi tiền/cho vay): các TCTD thường vay vốn lẫn nhau trên thị trường Interbank (thị trường 2) với một số mục đích chính như: đảm bảo thanh khoản; kinh doanh chênh lệch lãi suất (thường thì vay ngắn hạn và cho vay dài hạn); …. Một lưu ý là các khoản trên Interbank mang tính chất ngắn hạn (chủ yếu ở các kỳ hạn như O/N; 1W; 2W; 1M; 2M; 3M), các kỳ hạn dài hơn thường rất ít.
  • Nghiệp vụ với Ngân hàng nhà nước (NHNN): OMO, vay tái cấp vốn, vay qua đêm,…
  • Nghiệp vụ điều chuyển tiền giữa các tài khoản NOSTRO.
Bộ phận kinh doanh ngoại tệ và hàng hóa, phái sinh: chỉ hội sở (Khối Nguồn vốn) mới được thực hiện, chi nhánh/PGD chỉ được thực hiện với khách hàng (không được thực hiện với các TCTD khác), gồm:
  • Thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ
  • Thực hiện nghiệp vụ kinh doanh phái sinh giá cả hàng hóa
  • Thực hiện nghiệp vụ phái sinh
Bộ phận Giấy tờ có giá: Thực hiện kinh doanh giấy tờ có giá (trong đó chủ yếu là trái phiếu). Đầu mối phát hành trái phiếu của ngân hàng mình và hỗ trợ các bộ phận khác trong phát hành giấy tờ có giá…

Bộ phận quản lý vốn: quản lý hệ thống vốn nội bộ (như dự trữ bắt buộc của chi nhánh/phòng giao dịch, báo nguồn…) và quản lý ngoại hối chi nhánh/phòng giao dịch, ngoài ra có thể thêm về chức năng lãi suất điều chuyển vốn nội bộ – lãi suất mua bán vốn giữa hội sở và chi nhánh (hiện các ngân hàng có xu hướng tách khối Nguồn vốn chức năng này vì nó thể dẫn tới sự bất công trong phân chia lợi nhuận giữa Khối Nguồn vốn và Chi nhánh);

Bộ phận Sale

Bộ phận hỗ trợ ALCO (có thể không đặt ở đây)

Bộ phận quan hệ với khách hàng định chế (FI) (Có thể không đặt ở Khối nguồn vốn)


3. Trading ngoại tệ như G7 thì sẽ vận hành ra làm sao?


Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange market, hay còn gọi là FX) là thị trường OTC, trong đó việc hình thành tỷ giá giữa các cặp tiền tệ chủ yếu (thường gọi là G7) sẽ là sự hình thành dựa trên việc tạo lập thị trường giữa các Big Boys hay chúng ta còn gọi là Market Maker.

Screen Shot 2021-09-27 at 11.08.15.png


Không có cái sàn ngoại hối nào cả vì giao dịch ngoại hối là giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và phi tập trung. Cái mà chúng ta gọi là sàn ngoại hối thực tế là các nhà môi giới cung cấp các platform cho khách hàng nhỏ lẻ (retail trader). Ở thị trường FX rộng lớn này, các ngân hàng lớn sẽ đóng vai trò là người tạo lập thị trường. Các nhà tạo lập này sẽ niêm yết giá mua và bán một loại ngoại tệ trong một khoảng thời gian và thực hiện mua bán liên tục theo mức giá đã niêm yết đó. Nhờ có nhà tạo lập thị trường khi không có người bán nhưng có người mua muốn mua thì vẫn có thể mua được ngay lập tức, vậy cụ thể Market Maker ở đây là những ai?

Một nhà tạo lập thị trường (Market Maker) làm việc với thị trường (cung cấp thanh khoản cho thị trường hoặc khách hàng) bằng cách giao dịch đối với khách hàng của mình như các đối tác, vì vậy mà họ giao dịch và chịu rủi ro trực tiếp cho chính lệnh của mình. Các Market Maker duy trì một lượng dự trữ các đồng tiền mà họ cung cấp cho giao dịch và có một Dealing Desk (bộ phận kinh doanh ngoại hối/tiền tệ của các tổ chức) để mua bán đối với khách hàng sử dụng lượng dự trữ này.
Một nhà tạo lập thị trường báo giá hai chiều trong một cặp tiền nhất định, từ đó tạo nên thanh khoản trên thị trường. Một nhà tạo lập thị trường FX về cơ bản thực hiện ba điều:
  • Đặt giá bid/ask trong một cặp tiền nhất định
  • Cam kết chấp nhận giao dịch ở các mức giá này trong một số ràng buộc nhất định
  • Ghi nhận kết quả vào trong sổ sách – thường là giá mà các ngân hàng lớn cam kết mua.
Trading Desk ở các ngân hàng thương mại ở Việt Nam khi giao dịch G7 sẽ hình dung đơn giản như chúng ta mở một tài khoản FX tại một nhà môi giới (thường là các bank lớn trên thế giới như Citi hay JPMorgan), ký quỹ bằng USD (hoặc đồng G7 khác) và giao dịch trên đó. Tuy vậy so với các Retail Trader chúng ta thường gặp ở Việt Nam, Bank Trader khi giao dịch G7 sẽ có các đặc điểm như sau:
  • Platform hoàn toàn khác biệt so với MT4, MT5 hay CTrader. Bạn sẽ có một platform riêng của nhà môi giới cung cấp (thường sẽ là JPMorgan Execute) và vào lệnh trực tiếp trên đó. Thường platform này chỉ có các Order Book và một chart rất đơn giản như hình dưới.
Screen Shot 2021-09-27 at 11.08.24.png

  • Bạn giao dịch không phải thích để bao nhiêu lâu cũng được, nó có các loại lệnh như Spot hay Tom và chỉ có giá trị trong 1 đến 2 ngày làm việc. Giá sử chúng ta chỉ giao dịch 1 cặp EUR/USD duy nhất, khi Long Spot 100,000 EUR/USD ở tỷ giá 1.2, nghĩa là bạn đang mua 100,000 EUR và bán 120,000 USD trên tài khoản của ngân hàng. Sau 2 ngày bạn sẽ phải nhận 100,000 EUR và giảm bớt 120,000 USD tương ứng với số tiền đã bỏ ra. Tiếp tục, nếu như trong thời gian 2 ngày, bạn thực hiện một lệnh Short Spot (hoặc Tom) 100,000 EUR/USD ở tỷ giá 1.205 thì có bạn đang bán 100,000 EUR và mua về 120,500 USD trên tài khoản. Như vậy tài khoản sẽ không phải nhận về EUR nữa và bạn sẽ nhận lại lượng chênh USD giữa 2 giao dịch trên là 500 USD lợi nhuận cho ngân hàng. Do khá nhiều quy định về thanh toán quốc tế nên Bank Trader sẽ phải hết sức cẩn trọng trong việc tra soát giao dịch.

4. Vai trò của giao dịch ngoại hối trong Trading Desk với Treasury thật sự quan trọng ra làm sao?


Trading Desk có vai trò vô cùng quan trọng đối với Treasury. Với đặc điểm của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, hầu như các Trading Desk ở Việt Nam chỉ có hoạt động prop-trading G7 hoặc các ngoại tệ khác. Tuy vậy thường thì Trading Desk sẽ thường chỉ có các trader những người chịu trách nhiệm vào lệnh, kiểm soát và quản lý các giao dịch đó vậy nên sẽ khó có thể hiệu quả. Nhưng vì cơ sở nguồn lực có hạn của các bank, thế nên việc duy trì số lượng trader hoặc bổ sung nhân lực cho Trading Desk thường khá hạn chế.

Không ít đồng nghiệp của tôi còn lầm tưởng rằng: Trading Desk chỉ là một vị trí, được hiểu theo đúng nghĩa đen, nghĩa là một cái Desk có đặt máy phục vụ cho Trading thì chúng ta có Trading Desk. Thật sự thì, Trading Desk hơn cả là một bộ phận chịu trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, thực hiện và quản lý giao dịch. Việc giao hết trách nhiệm cho 1 trader có thể sẽ không đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn của ngân hàng. Vậy nên cần xây dựng đội ngũ analyst và trader cho Trading Desk hơn là việc để Trading Desk chỉ đơn thuần là một cái Desk để đặt máy dùng cho Trading.

5. Trở thành Bank Trader có gì hơn so với Retail Trader hay không?


Trở thành Bank Trader hay Retail Trader đương nhiên chúng ta đều hướng tới mục tiêu: tìm kiếm lợi nhuận. Với Bank Trader đó là tìm kiếm lợi nhuận của tổ chức, còn Retail Trader là nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân. Chính vì đó, việc tham gia giao dịch có vài điểm khác biệt như sau:
  • Bank Trader: giao dịch với số vốn lớn (hoặc rất lớn), đòn bẩy thấp hoặc gần như không có, tâm thế vào lệnh sẽ phải tính toán và quản trị rủi ro cực kỳ cẩn trọng (và có cả các quy định về rủi ro chặt chẽ). Hơn thế nữa các quy định về thanh toán quốc tế như đề cập ở trên có thể làm ảnh hưởng đến các kế hoạch vào lệnh của bạn. Ngoài ra trở thành Bank Trader, bạn sẽ có nhiều mối quan hệ trong môi trường liên ngân hàng interbank và hiểu biết sâu rộng hơn về các phòng ban khác cũng như thị trường tài chính.
  • Retail Trader: số vốn nhỏ và đòn bẩy có thể lên rất lớn do đó hiệu suất lợi nhuận có thể cao hơn Bank Trader rất nhiều. Tuy nhiên, điều mà Retail Trader có thể sẽ thường không được học ngay từ đầu, đó là việc lên kế hoạch giao dịch bài bản và có kỷ luật. Tuy vậy thì điều thú vị là các Bank Trader ở Việt Nam hầu như đều từ Retail Trader đi lên.
Screen Shot 2021-09-27 at 11.08.38.png


Lời Kết:


Trading G7 trong Bank thật sự sẽ có những phức tạp hơn so với những gì chúng ta thường thấy về giao dịch FX cho cá nhân. Tôi có may mắn được tiếp xúc với những người thành công thuộc cả 2 kiểu Trader trên tuy vậy điểm giống nhau của họ đó là tìm hiểu chuyên sâu về thị trường tài chính, không ngừng học hỏi điều mới mẻ, luyện tập giao dịch trong kỷ luật và niềm say mê với thị trường FX.

Nguồn: PFX Holding
 

Giới thiệu sách Trading hay
Phương Pháp Wyckoff Hiện Đại - Kỹ thuật Nhận diện Xu hướng Thị trường Tiềm năng

Phương pháp Wyckoff là một phương pháp price action kinh điển và đem lại thành công cho nhiều trader. Phương pháp này là nền tảng của nhiều phương pháp trading nổi tiếng khác
Chỉnh sửa lần cuối:

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • ngoi_sao_co_doc trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 24,021 Xem / 83 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 328 Xem / 21 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 1,349 Xem / 77 Trả lời
  • Quíc Óp trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 230 Xem / 3 Trả lời
  • Berkeley trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 109 Xem / 2 Trả lời
  • LuTienSinh trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 140 Xem / 3 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 234 Xem / 9 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên