Các đối tượng chính tham gia thị trường Forex

Các đối tượng chính tham gia thị trường Forex

Các đối tượng chính tham gia thị trường Forex

Rameses

Member
6
4
thanh-phan-chinh-tham-gia-thi-truong-forex.PNG

Các ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương tạo thành một nhóm riêng biệt trong số các thành phần tham gia thị trường Ngoại hối. Chức năng của họ là phát hành tiền, quản lý nền kinh tế và đảm bảo sự ổn định của đồng tiền quốc gia, qua đó đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Bên cạnh đó, một trong những chức năng quan trọng khác của ngân hàng trung ương trong một nền kinh tế thị trường là đảm bảo ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát. Trên đây là những lý do giải thích vì sao hành động của một ngân hàng trung ương của bất kỳ quốc gia nào cũng đều thu hút sự chú ý của những người tham gia thị trường Ngoại hối. Ngân hàng trung ương tác động tới thị trường Ngoại hối theo hai cách, trực tiếp thông qua việc can thiệp vào đồng tiền hoặc gián tiếp thông qua xác định lãi suất cơ bản. Ngân hàng trung ương có thể theo đuổi chính sách làm tăng hoặc làm giảm giá trị của đồng tiền quốc gia, tùy thuộc vào thực trạng của nền kinh tế và các yêu cầu về quản lý; đồng thời, có thể hành động độc lập hoặc hợp tác với các ngân hàng trung ương khác trong khi điều hành chính sách hối đoái hoặc tiến hành can thiệp trực tiếp vào đồng tiền của quốc gia mình. Việc kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng trung ương cung cấp ngoại tệ cho khu vực kinh tế nhà nước hoặc giúp thực hiện các giao dịch đặc thù của bộ máy chính phủ (ví dụ, khi chuyển đổi tiền, bán trái phiếu chính phủ, v.v…), nó cũng mua và bán đồng nội tệ cho các ngân hàng thương mại. Phương tiện quản lý chủ yếu của ngân hàng trung ương là lãi suất cơ bản. Lãi suất này chính là lãi suất mà ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay. Các ngân hàng thương mại cũng vay tiền của nhau theo lãi suất cơ bản (hoặc gần mức lãi suất này). Sự thay đổi lãi suất cơ bản cho phép điều chỉnh tình hình kinh tế của một quốc gia. Việc giảm lãi suất cơ bản sẽ khuyến khích đầu tư (chi phí đầu tư bằng vốn vay giảm) và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, việc tăng lãi suất cơ bản lại giúp hạ nhiệt lạm phát. Lãi suất cao sẽ hạn chế giá cả tăng cao. Lãi suất cơ bản là phương tiện điều hành kinh tế hiệu quả nhất trong nền kinh tế thị trường.

Có một vài loại lãi suất do ngân hàng trung ương đặt ra, nhưng lãi suất cơ bản là chỉ số quan trọng nhất (Lãi suất điều hòa vốn dự trữ qua đêm của Fed – Fed's Fund Rate tại Mỹ; lãi suất REPO tại Liên minh châu Âu).

Việc các ngân hàng trung ương can thiệp trực tiếp vào tỷ giá đồng nội tệ rất hiếm khi xảy ra. Để làm được việc đó với mục đích làm tăng hay giảm giá trị của đồng nội tệ, ngân hàng trung ương trực tiếp tiến hành mua hoặc bán đồng nội tệ trên thị trường. Ngân hàng trung ương buộc phải làm vậy khi tỷ giá của đồng nội tệ vào thời điểm đó không phù hợp với tình hình kinh tế và nếu để kéo dài có thể gây tác động tiêu cực. Việc can thiệp có thể được tiến hành độc lập bởi một hoặc một vài ngân hàng trung ương kết hợp với nhau. Sự can thiệp đồng thời của nhiều ngân hàng trung ương phản ánh những biến động lớn về kinh tế, sự bất ổn về giá cả, những tin đồn trái ngược và tình trạng đáng lo ngại trên thị trường. Việc can thiệp thường gây ra sự hoảng loạn và sợ hãi, nhưng đối với những tay chuyên nghiệp thì đây cũng có thể là cơ hội kiếm lời nhanh chóng và ít rủi ro. Các ngân hàng trung ương biết rằng yếu tố chính đảm bảo thành công của một chính sách can thiệp là nó phải nằm ngoài dự đoán (đó là lý do tại sao thông tin về những chính sách can thiệp trong tương lai thường được giấu kín), nhưng nó phải thể hiện tác động đáng kể lên tỷ giá hối đoái ngay sau khi được ban hành.

Một trong những hành động can thiệp lớn nhất trong lịch sử là của ngân hàng trung ương châu Âu vào năm 2000 - 2001 nhằm làm đồng euro tăng giá mạnh trở lại ngay khi nó đạt mức thấp kỉ lục 0,85 euro ăn 1 đô-la. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng phải tìm đến giải pháp can thiệp trực tiếp vào năm 2004 khi cố gắng hạ tỷ giá vốn đang rất cao của đồng Yên Nhật, điều không hề có lợi đối với một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Nhật Bản. Sự can thiệp được tiến hành trong vòng ba tháng kể từ khi đồng tiền này chạm mức 101 Yên ăn 1 đô-la. Cục dự trữ Liên Bang Mỹ mà thực chất là một ngân hàng tư nhân (chắc nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc về điều này), là định chế có ảnh hưởng lớn nhất đối với thị trường Ngoại hối. Nó thể hiện những nguyên tắc căn bản của nền kinh tế Mỹ, trong đó khu vực tư nhân luôn nhận được sự hỗ trợ và bảo đảm từ phía chính phủ. Tuy nhiên, sự thực là hoạt động của nó được quy định rất chặt chẽ để trở thành công cụ hữu hiệu của chính phủ và lợi nhuận của nó đều được nộp vào ngân sách quốc gia. Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có các chức năng tương tự nhau, tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu cơ chế ra quyết định liên quan đến các loại lãi suất cũng như dự đoán được quan điểm của những người đứng đầu các ngân hàng trung ương, v.v… Chúng ta sẽ cùng khám phá hoạt động của 8 ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất hiện nay.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ

Cục dự trữ Liên bang Mỹ là ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn nhất thế giới bởi trên 90% các hoạt động ngoại hối đều có liên quan tới các cặp ngoại tệ có đồng đô-la. Ủy ban Các thị trường mở Liên bang (FOMC – Federal Open Markets Committee) bao gồm 5 trong tổng số 12 vị chủ tịch của các Ngân hàng dự trữ Liên bang khu vực và 7 thành viên của Hội đồng thống đốc chính là cơ quan quyết định lãi suất của FED. Các cuộc họp của FOMC diễn ra 8 lần một năm theo lịch trình đã được quyết định từ trước. Quyết định về lãi suất và lý do khiến nó được thay đổi hoặc giữ nguyên được công bố sau khi cuộc họp diễn ra. Thường thì lý do lại được coi là quan trọng hơn bản thân quyết định về mức lãi suất vì nó cho phép người ta dự báo những thay đổi trong chính sách của FED trong tương lai cũng như những biến động lãi suất có thể xảy ra.

Mục tiêu chiến lược của Cục dự trữ Liên bang là đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả trong dài hạn. Theo luật Ngân hàng trung ương, hệ thống dự trữ Liên bang Mỹ chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điều đó có nghĩa là ngân hàng này phải báo cáo các hoạt động của mình với Hạ viện, một phần của Quốc hội Mỹ, một lần một năm và với Ủy ban Ngân hàng quốc hội hai lần một năm. Tuy nhiên, Hội đồng thống đốc của cơ quan này không thuộc quyền kiểm soát của Quốc hội, và như vậy mối ràng buộc giữa nó và Quốc hội không hề chi phối hoạt động của nó. Ben Bernanke đã thay thế huyền thoại Alan Greenspan vào tháng Một năm 2006 và điều hành Cục dự trữ Liên bang từ đó đến nay. Người đứng đầu Cục dự trữ Liên bang định kỳ báo cáo về tình hình kinh tế của đất nước cho Thượng viện. Sau khi FOMC nhóm họp và quyết định lãi suất của FED được công bố, chính nhân vật này sẽ là người đưa ra báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế cũng như những hành động mà Cục dữ trữ Liên bang có thể sẽ thực hiện liên quan đến quá trình điều hành nền kinh tế. Hệ thống dự trữ Liên bang không sở hữu vàng hay ngoại tệ để đảm bảo cho các khoản vay hay các đợt phát hành tiền giấy của mình. Điều này có nghĩa là đồng đô-la sẽ chỉ có thể được dùng để đổi lấy đồng đô-la mà thôi. Toàn bộ các hoạt động hối đoái còn lại đều dựa trên thực tế là đồng đô-la Mỹ được chấp nhận như đồng tiền cơ bản của thế giới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu

Ngân hàng Trung ương châu Âu, European Central Bank – ECB, được thành lập năm 1998. Ngân hàng Trung ương châu Âu ra đời thay thế cho Cơ quan tiền tệ châu Âu (European Monetary Institute – EMI), tổ chức được thành lập nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu vào năm 1999.

Mục tiêu chung của ECB là đảm bảo tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định giá cả của khu vực đồng euro bằng cách đảm bảo tỷ lệ lạm phát dưới mức 2%. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu còn có một số đặc thù khác so với Cục dự trữ Liên bang Mỹ. ECB kiểm soát tỷ lệ lạm phát để nó chỉ luôn ở gần mức 2% một năm, ngoài ra nó còn phải đảm bảo rằng đồng euro không trở nên quá mạnh nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu bởi nền kinh tế của rất nhiều nước trong khu vực đồng euro dựa chủ yếu vào hoạt động này.

Các quyết định liên quan tới chính sách tiền tệ, bao gồm quyết định mức lãi suất cơ bản, nằm trong tay Hội đồng thống đốc và Ban điều hành của ECB. Hội đồng thống đốc bao gồm sáu thành viên trong đó có thống đốc và phó thống đốc. Ban điều hành bao gồm các thành viên trong ban giám đốc và thống đốc của tất cả các ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Theo thông lệ, bốn trong số sáu thành viên hội đồng thống đốc đều là đại diện của bốn ngân hàng trung ương lớn, bao gồm ngân hàng trung ương Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Các cuộc hội họp diễn ra hai lần mỗi tuần, nhưng thường diễn ra một cách hình thức và không đi đến quyết định nào. Cuộc họp quyết định mức lãi suất cơ bản diễn ra một lần mỗi tháng. Đây là một trong những sự kiện kinh tế quan trọng và thu hút sự chú ý theo dõi của tất cả các thành phần tham gia thị trường Ngoại hối. Sau khi nó kết thúc, một cuộc họp báo sẽ được tổ chức, thống đốc ECB khi đó sẽ giải thích cụ thể lý do cơ quan này đưa ra các quyết định về lãi suất, đồng thời dự báo tình hình chung cũng như các xu hướng của nền kinh tế các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

ECB theo đuổi chính sách tiền tệ bảo thủ. Việc lãi suất cơ bản của đồng euro thay đổi rất chậm trong lịch sử của nó đã chứng minh điều đó. Ví dụ, lãi suất cơ bản chỉ thay đổi có bốn lần trong suốt cuộc suy thoái kinh tế diễn ra vào năm 2001, và ECB đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ phía các chuyên gia kinh tế vì việc đó. Cũng cần lưu ý rằng ECB không muốn việc công bố lãi suất cơ bản trở thành sự ngạc nhiên đối với công chúng; ngược lại, nó luôn muốn mọi người hiểu tính chất của những thay đổi trong tương lai trước khi tiến đến việc chính thức công bố những thay đổi này.

Trên 500 tỷ euro dự trữ bao gồm cả dự trữ vàng nằm dưới quyền kiểm soát của ECB. Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Jean-Claude Trichet đã thay thế đại diện của Đức Wim Duisenberg để trở thành Thống đốc đương nhiệm của Ngân hàng trung ương châu Âu kể từ tháng Mười Một năm 2003.

Ngân hàng Anh

Mục tiêu chính của Ngân hàng Anh (Bank of England – BoE) là duy trì sự ổn định và sức mua của đồng nội tệ. Giá cả ổn định và niềm tin vào đồng nội tệ chính là hai tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự ổn định tiền tệ. Sự ổn định giá cả được đảm bảo bởi thực tế là tỷ giá do Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Anh quyết định, tùy theo mức độ lạm phát và chúng tăng theo các mức do chính phủ đặt ra. Tỷ lệ lạm phát có thể chấp nhận được là xấp xỉ 2%.

Ngân hàng Anh được điều hành bởi Hội đồng thống đốc bao gồm một thống đốc, hai phó thống đốc, và 16 giám đốc thành viên. Tất cả đều được bổ nhiệm bằng một Sắc lệnh Hoàng gia sau khi đã được xem xét thông qua. Thống đốc và hai phó thống đốc có nhiệm kỳ 5 năm, và các thành viên khác có nhiệm kỳ 3 năm. Tất cả đều có thể được bổ nhiệm lại nhiều lần sau khi kết thúc một nhiệm kỳ. Hội đồng thống đốc phải nhóm họp ít nhất một lần một tháng. Việc quản lý hệ thống ngân hàng, trừ các vấn đề về chính sách tiền tệ đều thuộc phạm vi công việc của Hội đồng thống đốc. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Moneytary Policy Committee – MPC) chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ.

Thống đốc ngân hàng Anh đồng thời cũng là người đứng đầu ủy ban này. Các thành viên khác được chọn ra từ những nhà kinh tế học danh tiếng chứ không phải nhân viên của Ngân hàng. Ủy ban chính sách tiền tệ chịu trách nhiệm xác định các mức lãi suất chính thức kể từ năm 1997. Mervyn King hiện là thống đốc Ngân hàng Anh. Quyết định về mức lãi suất cơ bản được đưa ra thông qua việc công bố kết quả bỏ phiếu. Ví dụ, kết quả bỏ phiếu được công bố là 7:2 có nghĩa là 7 thành viên đồng ý thay đổi lãi suất cơ bản còn 2 thành viên còn lại không đồng ý. Kết quả bỏ phiếu cho thấy quan điểm của các thành viên Ủy ban. Sự thay đổi về tỷ lệ các thành viên ủng hộ và phản đối sẽ cho thấy xu hướng của những thay đổi lãi suất trong tương lai. Chính sách quản lý thành công của Ngân hàng trung ương Anh còn được được nhắc đến với cái tên Goldilocks (chỉ mọi thứ đều vừa và đủ ‒ ý nói các chính sách quản lý kinh tế cho phép tăng trưởng đều đặn cùng với tỷ lệ lạm phát thấp và môi trường kinh doanh thuận lợi). Đây chính là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của giai đoạn phát triển kinh tế ổn định bắt đầu từ năm 1993 đến nay – quãng thời gian dài nhất trong hai thế kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh đã bỏ xa các quốc gia thuộc khu vực đồng euro trong suốt mười năm qua và một đồng Bảng mạnh là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản dựa rất nhiều vào xuất khẩu. Việc tỷ giá đồng nội tệ quá cao và vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng là mối quan tâm rất lớn của quốc gia này bởi tác động tiêu cực của nó lên hoạt động xuất khẩu. Đó là lý do tại sao Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan – BoJ) lại sử dụng chính sách can thiệp trực tiếp hết lần này đến lần khác để kiềm chế tỷ giá đồng Yên (Ngân hàng này bán đồng yên ra thị trường để thu về đô-la Mỹ và euro). Ngân hàng Nhật Bản cũng thực hiện chính sách can thiệp thông qua các phát ngôn, các quan chức cấp cao của Nhật Bản luôn tuyên bố rằng đồng Yên đang có giá trị quá cao, và những tuyên bố như vậy luôn là dấu hiệu rõ ràng đối với các định chế và cá nhân tham gia thị trường Ngoại hối. Sự can thiệp bằng phát ngôn của các quan chức, dù không đi đôi với hành động nhưng cũng có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường.

Nhật Bản còn ghi rõ rằng nó cần phải đảm bảo sự ổn định giá cả cũng như toàn bộ hệ thống tài chính, mục tiêu chính của nó vẫn sẽ là giảm lạm phát. Cuộc khủng hoảng bất động sản những năm 1990 đã buộc Ngân hàng này phải cắt giảm lãi suất cơ bản tới mức thấp kỷ lục 0,15%. Đây chính là chính sách thường được gọi là lãi suất bằng 0 mà Ngân hàng Nhật Bản vẫn theo đuổi cho tới nay. Người ta tin rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ chính sách lãi suất bằng 0 này ngay khi nền kinh tế Nhật Bản khôi phục lại được tốc độ tăng trưởng bình thường. Chính sách lãi suất bằng 0 đã tiếp diễn trong 5 năm liên tục, nhưng vào tháng Ba năm 2006, nó tăng lên 0,5%. Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản bao gồm 6 thành viên, không kể Thống đốc Masaaki Shiraka và hai phó Thống đốc, nhóm họp một hoặc hai lần mỗi tháng.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ

Không giống các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đặt ra một giới hạn trong đó lãi suất cơ bản có thể biến động trong từng trường hợp cụ thể thay vì đưa ra một mức lãi suất cố định. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ theo đuổi chính sách bảo thủ đối với vấn đề tăng lãi suất do nền kinh tế Thụy Sĩ phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu (đồng nội tệ mạnh không có lợi cho các nhà xuất khẩu). Mục tiêu chính thức của ngân hàng này là đảm bảo ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế. Thống đốc Ngân hàng hiện tại là Jean-Pierre Roth. Hội đồng điều hành của Ngân hàng gặp nhau một lần mỗi quý để thảo luận về chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương Canada

Canada, Board of Directors – BoC, bao gồm thống đốc David Dodge và năm phó thống đốc. Các nhân vật này nhóm họp tám lần một năm để thảo luận và đưa ra quyết định liệu có thay đổi chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương hay không. Năm 1998, ngân hàng này đặt mục tiêu đảm bảo lạm phát ở trong khoảng từ 1 đến 3% đồng thời đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ. Điều này có nghĩa là tỷ lệ lạm phát cao hay thấp hơn mục tiêu đề ra sẽ dẫn tới việc tăng hoặc giảm lãi suất cơ bản.

Ngân hàng dự trữ Australia

Không giống các ngân hàng trung ương khác, mục tiêu của Ngân hàng trung ương Australia, Reserve Bank of Australia – RBA bao gồm nhiều nội dung hơn, đó là đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ, việc làm đầy đủ cho công dân, tăng trưởng kinh tế, và đảm bảo sự thịnh vượng về mặt kinh tế của quốc gia. Để đạt được các mục tiêu đó, Ngân hàng này kiểm soát tỷ lệ lạm phát trong khoảng 2- 3%.

Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng dự trữ Australia bao gồm thống đốc Ngân hàng Glen Steevens, Phó thống đốc, Bộ trưởng bộ Tài chính (tương đối khác biệt và không phải thông lệ tại các quốc gia khác) và sáu thành viên đại diện cho phe đa số trong Quốc hội do Chính phủ chỉ định. Ủy ban này nhóm họp 11 lần một năm (vào thứ Ba đầu tiên hàng tháng trừ tháng Một).

Ngân hàng dự trữ New Zealand

Không giống các ngân hàng trung ương khác, quyết định về lãi suất cơ bản tại Ngân hàng dự trữ New Zealand do một mình thống đốc đưa ra chứ không phải là quyết định của tập thể. Thống đốc hiện thời của Ngân hàng này là Alan Bollard. Tuy nhiên, bản thân quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của Ban điều hành. Cơ quan này nhóm họp 8 lần một năm. Mục tiêu của Ngân hàng là đảm bảo tỷ lệ lạm phát trong giới hạn 1,5%. Đó là lý do vì sao trong suốt thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ngân hàng này buộc phải tăng lãi suất cơ bản lên mức 8,25%. Việc này giúp kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định và cắt giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, tuy nhiên, việc này cũng làm tỷ giá đô-la New Zealand tăng nhanh do sự khác biệt về lãi suất và hoạt động đầu cơ chênh lệch lãi suất. Rõ ràng, mục tiêu chính của ngân hàng trung ương là kiềm chế lạm phát ở một giới hạn đã định trước. Nếu nó vượt quá giới hạn, ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất cơ bản lên, còn nếu tỷ lệ lạm phát thấp, điều thường xảy ra vào các thời kỳ kinh tế bị đình trệ, ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất để kích thích đầu tư và phát triển kinh tế.

Các quỹ đầu tư

Rất nhiều tổ chức, công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu và các quỹ đầu tư bảo hiểm rủi ro tham gia vào hoạt động đầu tư và đầu cơ theo nhiều cách khác nhau trên thị trường Ngoại hối. Ví dụ, quỹ Quantum của tỷ phú George Soros là một trong những quỹ đầu tư năng động nhất trên thị trường này. Các tổ chức này cũng bao gồm cả các tập đoàn quốc tế thường đầu tư vào nhiều quốc gia khác nhau bằng cách thành lập chi nhánh, công ty con hay mở rộng sản xuất ra ngoài lãnh thổ một quốc gia, v.v…

Các ngân hàng thương mại

Thực tế, việc xử lý tất cả các giao dịch ngoại hối đều được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại. Điều này giải thích lý do vì sao ta gọi thị trường Ngoại hối là thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Các thành phần tham gia thị trường đều tương tác với nhau thông qua ngân hàng theo cách này hay cách khác. Phần lớn các tổ chức thanh toán bù trừ đều là chính các ngân hàng hoặc chi nhánh của chúng. Các ngân hàng quốc tế như Citibank, Barclays Bank, Deutsche Bank, Union Bank of Switzerland và nhiều cái tên khác nữa đều xử lý giao dịch trị giá hàng trăm triệu đô-la mỗi ngày. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thực hiện các giao dịch ngoại hối vì lợi nhuận của chính mình. Các nhân viên thuộc bộ phận chuyên trách của ngân hàng theo dõi các xu hướng của thị trường, đưa ra dự báo và quản lý trạng thái ngoại tệ của ngân hàng mình. Dù các ngân hàng đều có chính sách quản lý rủi ro rất chặt chẽ, họ vẫn tham gia các hoạt động đầu cơ ngoại tệ.

10 định chế hàng đầu tham gia thị trường Ngoại hối năm 2006

(Nguồn: Điều tra của Euromoney FX)

Xếp hạng Ngân hàng (%) tỷ lệ tham gia

1. Deutsche Bank 19,26

2. UBS AG 11,86

3. Citigroup 10,39

4. Barclays Capital 6,61

5. Royal Bank of Scotland 6,43

6. Goldman Sachs 5,25

7. HSBC 5,04

8. Bank of America 3,97

9. JPMorgan Chase 3,89

10. Merrill Lynch 3,68

Các nhà môi giới (Brokers)

Vai trò của các nhà môi giới là cung cấp cho khách hàng của mình cơ hội giao dịch trên thị trường Ngoại hối, ví dụ như đảm bảo việc thực hiện lệnh nhanh chóng và chính xác một cặp tiền tệ nào đó theo giá thị trường. Một công ty môi giới không giao dịch để thu lợi nhuận trực tiếp cho mình bởi nó chỉ là đơn vị trung gian, không chịu các rủi ro về thay đổi tỷ giá. Nó tìm kiếm lợi nhuận nhờ chênh lệch giữa giá mua và giá bán (spread). Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty môi giới, việc cạnh tranh giữa họ với nhau góp phần làm tăng chất lượng dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cá nhân

Các nhà đầu tư vừa và nhỏ không thể trực tiếp tham gia thị trường Ngoại hối mặc dù trên thực tế họ có thể dùng đòn bẩy với tỷ lệ rất cao (1:50, 1:100 hoặc hơn nữa). Tất cả hoạt động của họ đều được thực hiện thông qua ngân hàng và các nhà môi giới, những tổ chức này lại là khách hàng của các tổ chức thanh toán bù trừ. Các nhà đầu tư cá nhân luôn phải giao dịch thông qua trung gian.
 

Đính kèm

  • thanh-phan-chinh-tham-gia-thi-truong-forex.PNG
    thanh-phan-chinh-tham-gia-thi-truong-forex.PNG
    29.7 KB · Xem: 4

Giới thiệu sách Trading hay
Đánh Bại Thị Trường Forex - Tư duy khác biệt và các kỹ thuật giao dịch của chuyên gia quản lý quỹ triệu đô

Sách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trading từ một chuyên gia quản lý quỹ, cùng các kỹ thuật giao dịch giúp quỹ này đứng trong top nhiều năm

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 1,192 Xem / 71 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 294 Xem / 20 Trả lời
  • ngoi_sao_co_doc trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 23,992 Xem / 82 Trả lời
  • Quíc Óp trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 195 Xem / 3 Trả lời
  • Berkeley trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 105 Xem / 2 Trả lời
  • LuTienSinh trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 123 Xem / 3 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 234 Xem / 9 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên